Thứ 6, 10/05/2024
Administrator
167
Thứ 6, 10/05/2024
Administrator
167
Theo Điều 39 Luật Bảo vệ Môi trường:
- Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
- Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
Lưu ý:
- Nước thải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung không thuộc đối tượng cấp phép;
- Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh chất thải nguy hại với tổng khối lượng từ 1.200 kg/năm trở lên hoặc từ 100 kg/tháng trở lên trong quá trình vận hành thuộc đối tượng cấp phép.
Theo Điều 41 Luật Bảo vệ Môi trường
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Các dự án, cơ sở đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo ĐTM;
- Đối tượng quy định tại Điều 39 Luật BVMT nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh; cơ sở có NKPL từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTNH.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Các dự án, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
3. UBND cấp tỉnh:
- Dự án đầu tư nhóm II quy định tại Điều 39 Luật BVMT;
- Dự án đầu tư nhóm III quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
- Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật BVMT đã được UBND cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM.
4. UBND cấp huyện: Dự án, cơ sở quy định tại Điều 39 Luật BVMT trừ dự án, cơ sở thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND cấp tỉnh.
Theo Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP:
- Đối với dự án thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM: nộp hồ sơ đề nghị cấp GPMT sau khi đã hoàn thành công trình xử lý chất thải cho toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án.
- Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM: Chủ dự án tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp GPMT sau khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định nhưng trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí; Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư,…
- Dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật BVMT đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để bảo đảm thời điểm phải có giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường.
Trường hợp không bảo đảm thời điểm nộp hồ sơ, chủ dự án đầu tư phải có thông báo gia hạn thời gian vận hành thử nghiệm theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 31 Nghị định 08/2022/NĐ-CP để được cấp giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm.
- Đối với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp: Chủ sở sở tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để bảo đảm thời điểm phải có giấy phép môi trường theo quy định của Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ- CP nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp GPMT của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp GPMT của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường.
Khoản 12 Điều 168 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: “Trường hợp một trong các giấy phép môi trường thành phần của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hết hạn, chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này”.
Theo Khoản 1 Điều 43 Luật BVMT và Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, thành phần hồ sơ đề nghị cấp GPMT bao gồm:
1. Văn bản đề nghị cấp GPMT (Phụ lục XIII Nghị định số 08/2022/NĐ- CP).
2. Báo cáo đề xuất cấp GPMT: 5 trường hợp:
- Báo cáo đề xuất cho dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào vận hành thử nghiệm (Phụ lục VIII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
- Báo cáo đề xuất cho dự án đầu tư nhóm II không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (Phụ lục IX Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
- Báo cáo đề xuất cho cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm I hoặc nhóm II (Phụ lục X Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
- Báo cáo đề xuất cho dự án nhóm III (Phụ lục XI Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
- Báo cáo đề xuất cho cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm III (Phụ lục XII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
3. Bản sao báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng (dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM).
Nội dung của GPMT gồm các nội dung chính như sau:
- Thông tin về chủ dự án, cơ sở; thông tin về dự án, cơ sở;
- Nội dung cấp phép môi trường: Nước thải; khí thải; tiếng ồn; độ rung; công trình, thiết bị xử lý CTNH; loại, khối lượng phế liệu nhập khẩu.
- Yêu cầu về bảo vệ môi trường: Công trình, biện pháp xử lý nước thải, khí thải, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung; công trình lưu giữ chất thải,…
- Thời hạn của GPMT:
+ 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I;
+ 07 năm đối với cơ sở hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;
+ 10 năm đối với đối tượng khác.
Thời hạn của GPMT có thể ngắn hơn thời hạn quy định nêu trên theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở.
- Các nội dung khác về bảo vệ môi trường (nếu có).
- Trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất hoặc nội dung thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, đồng thời thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường (thay đổi công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước nhưng không thuộc trường hợp lập báo cáo ĐTM): thành lập hội đồng thẩm định, không tổ chức kiểm tra thực tế.
- Trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường (thay đổi công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước nhưng không thuộc trường hợp lập báo cáo ĐTM), dự án đầu tư có sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, dự án đầu tư thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại: thành lập tổ thẩm định, không tổ chức kiểm tra thực tế.
- Trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường:
+ Thành lập hội đồng thẩm định đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Thành lập tổ thẩm định đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hội đồng thẩm định, tổ thẩm định có trách nhiệm tổ chức khảo sát thực tế tại khu vực dự kiến triển khai dự án đầu tư.
- Trường hợp cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động:
+ Thành lập đoàn kiểm tra đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Tổ chức kiểm tra thực tế đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Chủ dự án đầu tư thực hiện quan trắc chất thải như sau:
- Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Cột 3 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP: Thực hiện quan trắc chất thải theo trong giai đoạn điều chỉnh hiệu quả của từng công trình, thiết bị xử lý ít nhất là 75 ngày kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm và ít nhất là 07 ngày liên tiếp sau giai đoạn điều chỉnh.
- Đối với các dự án, cơ sở không thuộc trường hợp quy định ở trên: việc quan trắc chất thải do chủ dự án đầu tư, cơ sở tự quyết định nhưng phải bảo đảm quan trắc ít nhất 03 mẫu đơn trong 03 ngày liên tiếp của giai đoạn vận hành ổn định các công trình xử lý chất thải.
Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm:
- Thành lập đoàn kiểm tra thực tế quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường hoặc cử cán bộ, công chức kiểm tra thực tế quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư đối với các trường hợp khác;
- Tiến hành đo đạc, lấy và phân tích mẫu chất thải xả ra môi trường. Trường hợp chất thải xả ra môi trường không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, xử lý hoặc chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định và yêu cầu chủ dự án đầu tư phải thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 8 Điều này; tiếp tục tổ chức đo đạc, lấy và phân tích mẫu chất thải xả ra môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm lại của chủ dự án đầu tư.
Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm:
Phối hợp kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đối với dự án đầu tư trên địa bàn theo đề nghị của cơ quan cấp giấy phép môi trường.
Chia sẻ: